Dual SIM (SIM kép ) là gì? Phân loại – tính năng – lợi ích

Điện thoại Dual SIM (hay còn gọi SIM kép, 2 SIM 2 sóng) đang ngày càng phổ biến trên thị trường, đặc biệt ở các thương hiệu ưa thích của người Việt như iPhone, Samsung. Tuy nhiên, dual SIM không đơn thuần chỉ là khả năng sử dụng hai số điện thoại trên cùng một thiết bị. Trong bài viết này, cùng tìm hiểu về công nghệ dual SIM là gì, các loại dual SIM, tính năng, lợi ích của công nghệ này, và các dòng điện thoại dual SIM đang có mặt trên thị trường hiện nay.

Dual SIM là gì

I. Dual SIM là gì?

Dual SIM, còn gọi là SIM kép, là công nghệ cho phép một điện thoại sử dụng đồng thời hai số điện thoại từ hai SIM card khác nhau. Điều này có nghĩa là bạn có thể nhận cuộc gọi và tin nhắn từ hai số điện thoại riêng biệt trên cùng một thiết bị.

Tính năng này rất hữu ích cho những người thường xuyên di chuyển giữa các khu vực, có nhu cầu dùng nhiều số điện thoại để liên lạc.

II. Điện thoại Dual SIM có những tính năng nào?

Một điện thoại dual SIM sẽ cho phép người dùng:

  • Nhận cuộc gọi từ cả hai số
  • Chọn SIM mặc định cho cuộc gọi đi
  • Sử dụng data từ một hoặc cả hai SIM
  • Quản lý tin nhắn riêng biệt cho từng số

Ngày nay, sử dụng dual SIM không đơn thuần là sử dụng hai số điện thoại. Công nghệ mới này còn cho phép nhiều tính năng khác như:

  • Tự động chuyển đổi giữa các SIM để tối ưu vùng phủ sóng
  • Quản lý thông minh việc sử dụng data (dữ liệu di động)
  • Tùy chỉnh cài đặt riêng cho từng SIM
  • Hỗ trợ đồng thời nhiều nhà mạng và công nghệ mạng khác nhau (4G/5G)
khay SIM trên điện thoại dual SIM
Khay SIM trên điện thoại dual SIM

III. 4 loại dual SIM

Có 4 loại dual SIM hiện nay:

1. Dual SIM switch

Đây là công nghệ dual SIM đầu tiên, cho phép người dùng sử dụng một SIM ở một thời điểm. Để sử dụng SIM còn lại, cần phải khởi động lại thiết bị. Chính vì sự bất tiện này mà công nghệ này đã không còn tồn tại nhưng đây chính là nền tảng để cho ra đời các điện thoại dual SIM với công nghệ mới như hiện nay.

2. Dual SIM dual standby (DSDS)

Dual SIM dual standby còn được gọi là 2 SIM 2 sóng chờ. Đây là loại phổ biến nhất, cho phép hai SIM hoạt động đồng thời ở chế độ chờ. Tuy nhiên, khi một sim đang được kết nối thì sim còn lại sẽ tạm thời không nhận được cuộc gọi.

3. Dual SIM Dual Active (DSDA)

Dual SIM Dual Active còn được gọi là điện 2 SIM 2 sóng online. Đây là loại cao cấp hơn, cho phép cả hai SIM hoạt động hoàn toàn độc lập nhờ sử dụng hai bộ thu phát tín hiệu riêng phục vụ cho 2 SIM. Bạn có thể nhận cuộc gọi trên một SIM trong khi vẫn đang thực hiện cuộc gọi trên SIM còn lại. Tuy nhiên, do quá trình sản xuất phức tạp nên giá thành cao và mức tiêu thụ điện năng cũng lớn. Hiện nay có ít loại điện thoại dual SIM sử dụng công nghệ DSDA này.

4. eSIM và SIM vật lý

Sự kết hợp giữa SIM vật lý và eSIM trên cùng một thiết bị đang trở thành xu hướng mới trên các smartphone cao cấp, mang đến sự tiện lợi và linh hoạt cho người dùng. Tính năng Dual SIM này đặc biệt hữu ích cho khách du lịch quốc tế. Họ có thể sử dụng SIM quốc tế hoặc eSIM du lịch để dùng dữ liệu di động truy cập Internet trong khi vẫn duy trì SIM vật lý cho số điện thoại chính.

Việc lựa chọn loại Dual SIM nào phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể. Bạn cần cân nhắc các yếu tố như ngân sách, thời lượng pin, tính năng cần thiết trước khi quyết định.

IV. Ưu nhược điểm của điện thoại 2 SIM

Điện thoại có tính năng dual SIM mang đến nhiều lợi ích cho người dùng, tuy nhiên cũng có nhược điểm:

Ưu điểm:

  • Sử dụng hai mạng di động khác nhau: Điện thoại hai SIM có thể sử dụng hai nhà mạng khác nhau giúp tăng khả năng duy trì kết nối khi một trong hai nhà mạng có sóng yếu tại một khu vực cụ thể hoặc gặp sự cố kỹ thuật. Lúc này, bạn có thể chuyển sang SIM khác để có kết nối mạnh hơn.
  • Hai SIM cho hai mục đích khác nhau: Điện thoại có khả năng dùng hai SIM hai sóng hữu ích cho những người cần tách biệt cuộc sống cá nhân và công việc. Bạn có thể dùng một số điện thoại cho công việc, số còn lại cho gia đình, bạn bè. Ngoài ra, một số người sử dụng 1 SIM để liên lạc và SIM còn lại để dùng Internet.
  • Tiện lợi khi đi du lịch: dùng điện thoại hai SIM hai Sóng bạn có thể giữ SIM chính của Việt Nam trên máy và vẫn dùng được SIM địa phương. Nhờ đó vừa tiết kiệm được chi phí roaming mà vẫn nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn trên SIM cũ khi đi nước ngoài.
  • Tối ưu chi phí và chất lượng: nhờ sử dụng hai SIM bạn có thể kết hợp các nhà mạng có ưu đãi khác nhau. Ví dụ chọn một nhà mạng có sóng tốt cho cuộc gọi và nhà mạng khác có data giá rẻ cho Internet.

Nhược điểm:

  • Nhiều điện thoại dùng khe cắm hybrid (tức là dùng chung cho SIM 2 và thẻ nhớ) nên buộc phải lựa chọn giữa một trong hai, do đó ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ dữ liệu.
  • Tiêu thụ pin nhiều hơn do kết nối đồng thời hai nhà mạng.
  • Dễ nhầm lẫn khi gọi điện/nhắn tin.
  • Chỉ một SIM có thể dùng 4G/5G vào một thời điểm, SIM còn lại bị giới hạn ở mạng 2G/3G.
  • Có thể bỏ lỡ cuộc gọi/tin nhắn quan trọng khi một SIM đang hoạt động.
  • Hạn chế về roaming data và chuyển tiếp cuộc gọi.
Điện thoại 2 SIM và khe cắm thẻ nhớ
Điện thoại 2 SIM và khe cắm thẻ nhớ

V. Các dòng iPhone 2 SIM

iPhone 2 SIM, hay còn gọi là iPhone dual SIM có hai dạng là:

  • iPhone có 1 eSIM 1 SIM vật lý: điện thoại chỉ có 1 khay chứa SIM vật lý, khe còn lại được thay thế bằng công nghệ eSIM do đó thiết kế máy thường mỏng và nhẹ. Các dòng hỗ trợ gồm iPhone 11, 12, 13, 14, 15, 16 series.
  • iPhone có 2 SIM vật lý: điện thoại có 2 khe lắp SIM nên về mặt thiết kế thường dày hơn so với loại 1 eSIM 1 SIM vật lý. Các dòng hỗ trợ là từ iPhone 12 trở lên được sản xuất riêng cho một số thị trường như Trung Quốc, Hong Kong, Macao.

VI. Các dòng Android 2 SIM

Danh sách điện thoại Android hỗ trợ dual SIM (2 SIM) rất đa dạng. Dưới đây là liệt kê các dòng thuộc một số thương hiệu nổi tiếng với người dùng Việt Nam như Samsung, Oppo, Xiaomi,…

Samsung:

  • Samsung Galaxy S21, 22, 23, 24 series: hỗ trợ 1 eSIM 1 SIM vật lý
  • Samsung Galaxy A54, A53, A52, A34, A33, A32, A24, A23, A22: hỗ trợ 2 SIM vật lý
  • Samsung Galaxy M54, M53, M52, M34, M33, M32: hỗ trợ 2 SIM vật lý

Xiaomi

  • Dòng Redmi gồm Note 13, 12 series, Redmi 13C, 12C: hỗ trợ 2 SIM vật lý
  • Dòng POCO gồm X6, X5, F5, F4 series: hỗ trợ 2 SIM vật lý

OPPO

  • Dòng Reno series gồm Reno 10, 9 series
  • Dòng A series gồm A98, A78, A58, A77, A57, A55: hỗ trợ 2 SIM vật lý

Vivo

  • Dòng V series gồm Vivo V29, V27, V25: hỗ trợ 2 SIM vật lý
  • Dòng Y series gồm Vivo Y35, Y33, Y22, Y16, Y15, Y12: hỗ trợ 2 SIM vật lý

Như vậy, bài viết đã giới thiệu các khái niệm cơ bản về công nghệ dual SIM trên điện thoại di động. Công nghệ này đặc biệt hữu ích cho người dùng cần quản lý nhiều số liên lạc hoặc thường xuyên du lịch. Với khả năng sử dụng hai số điện thoại khác nhau, người dùng có thể dễ dàng tách biệt các cuộc gọi và tận dụng ưu đãi từ nhiều nhà mạng. Tuy nhiên, chất lượng trải nghiệm dual SIM phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu cụ thể của người dùng và sự hỗ trợ từ nhà mạng. Đáng lưu ý là điện thoại dual SIM thường tiêu thụ pin nhiều hơn so với điện thoại một SIM. Vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ nhu cầu sử dụng của bản thân để chọn sản phẩm phù hợp nhất.